[Review] Colorful – Vì lã cõi tạm nên cuộc đời cần được trân trọng

Một tác phẩm xuất sắc của tuổi hoa niên, xen lẫn tiếng cười và nước mắt; khi đau khổ hóa thành hạnh phúc ta biết rằng mình không đơn độc; gia đình là nền tảng để sự sống được ươm mầm và định hình sắc màu. Colorful là bi kịch tuổi mới lớn hay là bước ngoặt trưởng thành cần phải trải qua? Là cuộc tái sinh đầy thử thách hay là sự thay đổi tự thân trong nhận thức và tâm lý của một linh hồn bị ruồng bỏ? Tất cả sẽ có lời đáp ở phần cuối vỡ òa trong cảm xúc của tiểu thuyết

1. Đôi lời giới thiệu

1.1 Về tác giả Eto Mori

Colorful của tiểu thuyết gia Eto Mori (1968) người Nhật Bản là một trong số những tác phẩm đánh dấu sự thành công trên văn đàn của bà. Năm 1998, Colorful được nhận giải thưởng danh dự sách dành cho thiếu nhi: Sankei Children’s Book Award lần thứ 46 và được chuyển thể thành ba bộ phim. Độc giả có thể tìm đọc thêm tác phẩm của Eto Mori, đơn cử là tiểu thuyết Rizumu (tạm dịch: Nhịp điệu) năm 1990.

[Review] Colorful - Vì lã cõi tạm nên cuộc đời cần được trân trọng
[Review] Colorful – Vì lã cõi tạm nên cuộc đời cần được trân trọng

1.2 Tổng quan về Colorful

Điều gì làm nên sự hấp dẫn của quyển tiểu thuyết Colorful? Tôi nghĩ quyển sách đã phản ánh đúng những tâm tư tình cảm của các bạn trẻ ở lứa tuổi vị thành viên, mặc hiện thực quá khốc liệt. Bằng giọng văn trong sáng, đơn giản nhưng chứa đựng thông điệp nhân văn sâu sắc, Colorful dễ đi vào lòng người với nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt là độ tuổi hoa niên thật tươi đẹp có những biến đổi từ thể chất đến tinh thần. Cái độ tuổi không còn hồn nhiên cũng chẳng phải trưởng thành nhưng phải vỡ lẽ quá nhiều sự thật của người lớn và các mối quan hệ xung quanh.

1.2.1 Tái sinh từ may mắn

Colorful kể về một linh hồn phạm phải tội lỗi không thể dung thứ, không được luân hồi nhưng bất ngờ nhận được phần thưởng tái sinh. Đây là cơ hội thử thách của linh hồn may mắn của vòng quay trên thiên giới. Họ sẽ vào ở trọ trong một gia đình, trong quá trình thử thách họ phải nhớ lại tội lỗi kiếp trước của mình trong thời hạn 1 năm để nhận được ân xá chuyển kiếp. Linh hồn đó nhập vào cơ thể Makoto và sống dưới thân phận của người con trai út trong một gia đình bất ổn.

1.2.2 Thức tỉnh từ thân phận Makoto trong 4 tháng

Trải qua 4 tháng trong thân xác của Makoto, linh hồn đã phát hiện ra sự thật khốc liệt và những góc khuất đằng sau đó, từ ngộ nhận đi đến hóa giải hiểu lầm, tình thân gia đình, tình bạn bè, tình cảm tuổi mới lớn tất cả đều tạo nên những mảng màu cô độc, rời rạc; sau những chuyện dở khóc dở cười do chính linh hồn tội lỗi gây nên; những đơn sắc dần hòa lẫn vào nhau và lấp đầy trong bức tranh cuộc đời của Makoto.

1.2.3 Ai thực sự đáng sống?

Thế nhưng, chính lúc nhận ra ý muốn gắn kết với cuộc sống này, linh hồn tội lỗi lại cầu xin cho linh hồn Makoto quay trở lại. Còn việc hắn có cơ hội luân hồi hay không không còn quan trọng nữa. Hắn muốn nói với Makoto: Thật ra cậu đã hiểu lầm mọi người, hiểu lầm thế giới bấy lâu đã lãng quên cậu! Và cuối cùng một sự thật đầy bất ngờ cũng được hé lộ từ đó…

2. Sự sống nào cũng cần được trân quý

Với tội lỗi tự giết chính mình, Makoto đã tước đi quyền vốn có của mình là được sống. Sự việc kinh hoàng này đã làm chấn động đến tâm lý của gia đình Makoto như một hồi chuông báo động. Họ không hiểu tại sao Makoto lại ra quyết định như thế, lỗi tại ai trong số họ hay chuyện gì kinh khủng đã dẫn đến việc cậu tự sát? Vốn dĩ Makoto là một đứa trẻ bị xã hội “ruồng bỏ” từ năm cấp 2. Năng khiếu hội họa từ nhỏ đã khiến Makoto được lòng rất nhiều người và khiến mẹ cậu tự hào nhưng cũng chính cái năng khiếu đó trở thành vũ khí rạch nát tâm hồn cậu.

2.1 Hiện thực dù tàn khốc nhưng xứng đnáng

Những bức vẽ cậu đã vẽ cho bạn bè nhanh chóng bị trả lại từ khi chúng bạn và câu lên lớp 6. Các bạn bè đều có thái độ khác lạ với Makoto, trong khi cậu vẫn mang tâm hồn và dáng dấp của một câu học sinh tiểu học ngày nào. Makoto dần trở thành tâm điểm trêu chọc, bạo lực của chúng bạn. Makoto ngày càng trở nên khép kín, cậu không buồn thể hiện cảm xúc với mọi người xung quanh. Gia đình vẫn là nơi nương tựa nhưng không thể chia sẻ, cậu tìm đến câu lạc bộ Mỹ thuật của trường để tạo lập cho mình một thế giới riêng không ai có thể xâm phạm. Chính lúc vẽ cậu mới thấy mình được sống. Thế nhưng bi kịch ập đến, Makoto dần chứng kiến những điều không nên thấy, những bí mật từ những người mà câu thương yêu liên tiếp phơi bày trước mắt cậu. Với sự đổ vỡ về mặt tinh thần cùng cưc, những điểm tựa còn sót lại trong cuộc đời của một thiếu niên lớp 9 bỗng chốc tan biến, Makoto đã đưa ra một quyết định kinh khủng: tự tử.

2.2 Chấp nhận là điều kiện cần để trưởng thành

Có thể nói cuộc đời bất công khi đưa Makoto vào vòng xoáy của sự nổi tiếng rồi phũ phàng hất văng cậu ra khỏi quỹ đạo cũng vì tài năng thiên phú của mình. Nhưng cái sai lớn nhất của Makoto đó chính là im lặng. Im lặng tạo nên môt hàng rào ngăn cách cậu với thế giới xung quanh. Cô độc chiếm ngự lấy thể xác và tâm hồn của câu trước những thay đổi của cuộc sống, không cho phép cậu trưởng thành. Cậu không thể tiếp nhận thế giới này và ngay cả chính cảm xúc này cậu cũng không buồn bày tỏ.

Makoto trượt dài trong những năm tháng mà lũ bạn cùng nhau trưởng thành và thay đổi và bỏ rơi cậu mắc kẹt lại với ký ức và nhận thức của một đứa trẻ tiểu học, ngây ngô giữa cuộc đời. Chấp nhận bị mọi người xa lánh, chán ghét, Makoto cứ quẩn quanh trong thế giới không người cô quạnh. Một sự chấp nhận trong im lặng không hề phản kháng. Makoto vừa đáng thương lại đáng trách, mọi lỗi lầm không chỉ từ lũ bạn xấu xa, từ ngôi nhà có quá nhiều bí mật, thiếu sự đồng cảm mà còn ở chính bản thân cậu. Chính Makoto đã thụ động trong chính cuộc sống của mình, tất cả để người khác tự quyết và sắp đặt, ngay chính cậu còn không yêu thương bản thân thì không thể đòi hỏi người khác đối tốt với mình.

2.3 Cuộc sống nào cũng đáng quý và cần được trân trọng dù cho bạn là ai.

Xinh đẹp, giỏi giang hay xấu xa, kém cỏi mọi người đều có quyền được sống chỉ với điều kiện bạn cũng phải quý sinh mệnh của chính mình. Ở phần cuối tiểu thuyết, khi linh hồn tội lỗi hòa vào linh hồn Makoto chúng ta vỡ lẽ ra, một Makoto khác, rất khác đã được tái sinh và vô cùng mạnh mẽ. Makoto trước đây đã chết theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, để một lần được sống khác đi để tìm thấy hạnh phúc. Makoto đã sống bình thường như bao bạn bè khác, cậu cất tiếng lòng phản kháng dù là những lời nói cay nghiệt, những hành động thô lỗ nhưng đó mới thật sự là cậu. Makoto đã tái sinh để sống đúng bản chất của mình. Đã đến lúc phải thay đổi, đã đến lúc cho mọi người thấy được một Makoto vốn dĩ phải như thế. Nếu có một cơ hội để làm lại cuộc đời tại sao lại không sống khác đi để đón nhận những điều ý nghĩa?

Makoto cuối cùng cũng hiểu ra rằng: thay vì sống cho người khác với những giá trị được áp đặt, tại sao lại không sống cho chính giá trị tự thân của mình? Cậu đã có thể tự quyết định trường mình muốn học, kết nối với gia đình, hoàn thành bức tranh cho Hiroka và hơn hết có Shanko đang chờ cậu quay lại. Chuyến quay lại trong hành trình ở trọ lần này sẽ thật khác khi không ai ngoài Makoto biết được điều gì đang chờ đón cậu ở phía trước!

3. Cuộc đời là bản thể đa sắc

3.1 Cuộc đời thật đơn điệu và vô sắc đối với Makoto trước khi tự sát

Mọi thứ trong tâm trí cậu đều đứng yên bất động ở thời tiểu học đẹp đẽ đó. Khi mà cậu cảm thấy giá trị của bản thân đến từ những bức vẽ mà người khác yêu cầu. Khi vẽ cậu thấy mình là Makoto mà mọi người khen ngợi, Makoto có sự sống; thế giới của Makoto là hội họa. Đến khi những thay đổi nhen nhóm rồi đi đến biến chất trong các mối quan hệ giữa cậu và mọi người xung quanh, Makoto gia nhâp vào Câu lạc bộ của trường để chạy trốn thế giới màu xám u ám ngoài kia, chìm vào thế giới suy tư riêng của bản thân, trở thành một người khép kín.

3.2 Những bức tranh biết nói

Những bức tranh của Makoto trở thành phương tiện giao tiếp duy nhất đối với thế giới, mọi người đều cảm nhận những gam màu u tối từ tác phẩm của cậu và đó chính là những gì cậu đang phải trải qua từng ngày: những gam u tối và rời rạc. Đến khi cậu có dũng khí để nghĩ rằng mình phải thay đổi, Makoto đã chọn màu xanh của biển làm nét chấm phá đầu tiên trên bức tranh khởi sắc của mình. Nhưng dang dở nửa chừng, cậu liên tiếp nhận những cú đả kích từ người thân. Bức tranh dang dở được tiếp tục bởi linh hồn tội lỗi ở trọ trong thân xác Makoto. Càng ngày nét vẽ càng rõ ràng với những sắc màu tươi tắn cũng là lúc chân tướng của sự thật được phơi bày. Những sắc màu của mỗi sự thật trong mỗi cá thể đang gắn bó với Makoto lúc này cũng dần biến đổi trong tâm trí của linh hồn tội lỗi – Makoto. “Những tông màu của gia đình Kobayashi dường như đang thay đổi từng chút một trong tôi. Nghĩa là đen mà bỗng dưng thành trắng, những chuyện mà tôi tưởng đơn giản, hóa ra lại có vô số mảng màu khác còn ẩn giấu.

Có đen thì cũng có trắng.

Có đỏ thì cũng có xanh và vàng.

Có màu sáng và cũng có màu tối.

Có màu thật đẹp, cũng có màu khó coi.

Tùy theo từng góc độ mà ta có thể nhìn thấy sắc màu nào.

Sắc màu tươi tắn từ Hiroka đã rọi sáng cho những tháng ngày tăm tối của Makoto. Đáng tiếc tôi không thể nói điều đó cho cô.

Nhiều khi ta không nhận ra, chính bản thân đang vô tình cứu giúp hoặc làm tổn thương ai đó.

Cuộc đời này đa sắc đến nỗi chúng ta luôn lạc lối.

Không biết màu nào mới là màu thật sự.

Không biết màu nào mới là bản thân mình.”

3.3 Hãy chấp nhận và suy nghĩ khác đi

Thế nhưng đến cuối cùng Makoto vẫn chưa hoàn thành bức vẽ chú ngựa ngoi lên từ đại dương xanh thẳm, đó là chuyện của tương lai. Hơn hết, ngay tại thời điểm sáng tỏ mọi việc cậu đã an nhiên đón nhận những gam màu độc đáo trong bản thể của mỗi người mà cậu yêu thương và quý trọng. Cuộc đời là một bức tranh đa sắc, có đau thương cũng có vui sướng; có niềm vui tất yếu cũng sẽ có nỗi buồn; có hạnh phúc xen lẫn bất hạnh; mỗi một cung bậc đều có cảm xúc và kết nối với nhau. Chúng ta không thể nào chỉ yêu màu hồng và ghét màu xám, nếu đời màu xám bạn đâu thể xóa nhàu một bức tranh vứt bỏ mà vẽ lại. Hãy chấp nhận và suy nghĩ khác đi, chấm phá trên nền màu xám đỏ những gam màu tươi tắn hơn, tại sao lại không nếu bạn đã thật sự yêu quý cuộc sống này.

Colorful đã phơi bày những gam màu của đời thật đậm đà, thật sắc nét, bi ai đến tột cùng đối với những tâm hồn thiếu niên mỏng manh. Tác phẩm không nuông chiều cảm xúc yếu đuối và nhạt nhòa trong thời hoa niên, Eto Mori đã gửi đến thông điệp dành cho tuổi mới lớn rằng: mỗi ngày hãy càng thêm mạnh mẽ dù cho sự thật có ngang trái đến thế nào. Bạn không thể xóa những ưu phiền hay điều tồi tệ của người khác nhưng hãy lấp đầy những điều đó trong tâm trí bằng những gam màu tích cực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *