Review tiểu thuyết Kitchen – Banana Yoshimoto

REVIEW KITCHEN – BANANA YOSHIMOTO

Tóm tắt nội dung

Sau khi bà – người thân cuối cùng của Sakurai Mikage qua đời, cô cảm thấy lạnh lẽo và trống trải hơn bao giờ hết. Cũng trong căn phòng này, Mikage cũng phải chứng kiến từng người thân của gia đình lần lượt ra đi. Cô quyết định đi thuê một căn hộ khác để quên đi quá khứ đau thương này. Tuy nhiên trong lúc tìm nhà thì Mikage đã gặp Tanabe Yuichi – một chàng trai kém mình một tuổi. Anh rất quý mến bà của Sakurai vì hàng tuần bà thường mua hoa ở cửa hàng của anh. Không ngần ngại, Mikage đã về ở nhà Yuichi với hai lí do: thứ nhất là vì Yuichi đã giúp cô rất nhiều trong đám tang của bà, cậu ấy rất yêu quý bà của Mikage và lí do khác nữa là cô không đủ tiền để chi trả cho căn nhà hiện tại.

Review Kitchen – Banana Yoshimoto
Review Kitchen – Banana Yoshimoto

Bất ngờ khi đến ở nhà Yuichi là tình cảm của mẹ Yuichi dành cho cô. Ngay khi gặp bà ấy, Mikage cảm thấy đó là một người phụ nữ dễ gần. Hai mẹ con Yuichi giúp Mikage cảm thấy gần gũi và được chia sẻ dù cho họ không phải là quan hệ thân thiết. Bất ngờ hơn khi mẹ của Yuichi không phải là người phụ nữ theo đúng nghĩa mà chính là cha Yuichi cải giới.

Những ngày tháng sống ở nhà Yuichi, Mikage cảm thấy rất thoải mái, đặc biệt là với căn bếp. Mẹ Yuichi chia sẻ nhiều với Mikage, nhưng nhiều lúc cô vẫn cảm nhận được phần đàn ông trong ngoại hình phụ nữ của mẹ Yuichi.

Mikage gặp lại người yêu cũ, cô nhận ra sự ích kỉ của người con trai mà trước đây cô từng yêu. Khi quay về căn nhà cũ để lấy đồ đạc, những kí ức về gia đình Mikage bỗng chốc ùa về như một cuốn phim quay chậm, cô òa khóc như chưa bao giờ được khóc rồi cô đưa mắt nhìn vào căn bếp, như một phép màu nhiệm, cô bỗng nhiên thư thái nhẹ nhõm. Trở lại nhà Yuichi, cô thấy được cách yêu cuộc sống của mẹ Yuichi. Tuy không hoàn toàn là một người phụ nữ nhưng mẹ Yuichi luôn giúp Mikage nhận ra những lí lẽ của cuộc sống.

Dù được bà Eriko và Yuichi rất yêu quý nhưng Mikage vẫn quyết định tìm thuê căn phòng khác. Tuy nhiên khi sống ở căn phòng mới chưa được bao lâu thì Mikage nhận được tin báo là bà Eriko đã bị giết hại do một người đàn ông theo đuổi. Sự ra đi của bà Eriko khiến Yuichi và Mikage như xích lại gần nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn bởi giờ đây họ không còn người thân nào trên đời này nữa.

Để được làm phụ tá cho cô giáo dạy nấu ăn, Mikage phải tham gia một cuộc thi và cô đã dành phần thắng. Khi chuẩn bị cùng cô giáo đi tìm hiểu về món ăn vùng biển thì Okuno – người tự nhận là bạn gái của Yuichi gặp Mikage và yêu cầu cô lánh xa Tanabe. Sau cuộc gặp bất ngờ đó, Mikage suy nghĩ rất nhiều. Mikage thấy Okuno đã không hiểu cảm giác cũng như nỗi đau mà Mikage và Yuichi đang trải qua – nỗi đau mất người thân, và Okuno đã ở đâu khi Yuichi phải trải qua nỗi đau đó.

Bà Chikachan gặp Mikage để khuyên cô nên hủy bỏ chuyến đi. Bà nói rằng có thể Yuichi yêu Mikage và ngay lúc này cô nên thường xuyên ở bên cạnh động viên Yuichi bởi thậm chí cậu còn muốn tìm kẻ đã sát hại mẹ cậu để trả thù. Tuy nhiên, Mikage không thể từ bỏ cơ hội tìm hiểu về vùng đất Izu, ở đó cô tìm hiểu khám phá về ẩm thực và như quên hết mọi phiền muộn của cuộc sống. Cuộc gọi điện của Yuichi khiến Mikage nhớ anh và muốn gặp anh vô cùng, cô đã bắt xe đến chỗ ở mới của Yuichi. Bình yên trong tình yêu với Yuichi, công việc thuận lợi. Nhưng giấc mơ về những người thân yêu mất đi cứ khiến cô không yên. Trong nỗi đau đớn, sự đồng điệu với Yuichi càng trở nên sâu sắc, họ lại gắn bó với nhau hơn.

Review 1

“Kitchen” là một câu chuyện đơn giản và đơn tuyến, không quá phức tạp hay mang tính chất siêu thực. Trong hình dáng của một tác phẩm tự sự, “Kitchen” là một truyện thể loại tình cảm, có cốt truyện khá đơn giản, ít nhân vật. Miêu tả hình dáng, tính cách con người khá cụ thể, rõ ràng làm cho người đọc dễ hình dung, như khi miêu tả về Yuichi, tác giả miêu tả là “đó là một chàng trai có khuôn mặt đẹp,đôi chân và cánh tay khá dài”. Cô Eriko với “mái tóc dài xõa xuống ngang vai, cặp mắt sắc lẹm có đôi đồng tử lấp lánh thẳm sâu, đường bờ môi rất đẹp, sống mũi thẳng và cao. Toàn thân cô ta tỏa ra một thứ ánh sáng lộng lẫy tựa như sức sống đang rung lên”.  Với việc miêu tả về đồ vật “thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là một chiếc sô-pha khổng lồ đặt chình ình trong gian phòng khách ăn thông với bếp, nó nằm xoay lưng lại chạn bát đĩa trong gian bếp rất rộng không có lấy một cái bàn hay tấm thảm nào”. Không gian và thời gian trong chuyện diễn ra một cách chậm rãi, đều đặn, không kịch tính. Truyện đưa ta đi từ cảnh tượng này qua cảnh tượng kia mà hai cảnh tượng này trái ngược nhau. Mở đầu câu chuyện tác giả nói đến cái chết, đó là sự ra đi của người bà Mikage không khí lúc đó ảm đạm, đau buồn, mịt mờ nhưng đến cuối tác phẩm tác giả đưa chúng ta đến với một khung cảnh khác hẳn, bầu trời quang đãng, rộng lớn, cỏ cây xanh mượt “. Bên cạnh đó, “Kitchen” gợi ra cái không khí vừa thuần khiết vừa u hoài của tâm trạng, trên ranh giới mong manh của những gì được nói ra một cách tằn tiện và những gì được giữ lại kìm nén trong tâm tư thầm kín của nhân vật”. Không mang những triết lý, tư tưởng khó hiểu, câu chuyện đi vào độc giả một cách nhẹ nhàng, có buồn rầu nhưng không u uất. Nhân vật cũng vì thế mà không mang nặng những tham vọng hay đấu tranh với những con người trong xã hội, đơn giản chỉ là diễn biến tâm lý trong cuộc sống thường nhật và cuộc sống riêng tư. Họ quanh quẩn trong những mối quan hệ bạn bè, gia đình và nội tâm của chính bản thân.

Review 2

Có thể nói thế giới trong “ Kitchen” chỉ vây quanh cuộc sống bình lặng thậm chí tẻ nhạt của những người trẻ bị xé rời khỏi cộng đồng, sống lầm lũi trong nỗi cô đơn của bản thân, họ tự tạo ra thế giới của riêng mình, cái thế giới nhỏ bé chỉ bao gồm những thứ họ nghe thấy, nhìn thấy, ngửi thấy, và sờ thấy; cái thế giới mà họ đào những chiếc hố thẳm và chôn chặt nơi đấy những nỗi đau của riêng mình. Sự cô độc ngấm ngầm xâm chiếm và tràn ngập xuyên suốt câu chuyện xoay quanh mỗi nhân vật. Mỗi người dường như đều có một căn phòng khoá chặt cửa trong tim mình bởi nỗi ám ảnh của cái chết. Banana dường như chỉ xoay quanh cái chết hết người này đến người kia. Cái chết của người thân đã khiến con người mất dần ý thức với sự sống. Nó dường như cắt đứt, chia lìa con người khỏi tình yêu – khỏi mọi sự ràng buộc với thế giới. Con người trơ trọi giữa cuộc sống và hình ảnh gian bếp là nơi cứu rỗi duy nhất cho tâm hồn của nhân vật Mikage. Cô xem bếp là nơi gần gũi, thân quen còn sót lại trong tiềm thức. Cô muốn ngủ trong bếp để tìm thấy sự bình yên, nghĩ về bếp, sống với thế giới của bếp. Bếp là tât cả những gì đẹp đẽ trong cõi lòng Mikage. Bếp cũng chính là một sợi khói ấm duy nhất xuyên suốt câu chuyện nói chung và bản thân Mikage nói riêng. Vậy phải chăng bếp là biểu tượng của gia đình, nơi có sự ấm áp của tình thân cũng là nơi bừng sáng ngọn lửa yêu thương của những trái tim gắn kết?

Kitchen buồn bã nhưng không bi lụy, đầy rẫy cái chết nhưng không làm con người lùi bước, bởi bản thân sự sống đã hoài thai cái chết, bên trong nỗi buồn đã hiện hữu tình yêu, chúng xoắn vào nhau như hai sợi bấc của tiêm đèn dầu, cứ thế le lói sáng lên nhưng đủ sức xua tan bóng đêm của nỗi cô đơn. Họ chối bỏ truyền thống nhưng không thể đoạn tuyệt truyền thống. Truyền thống của đất Phù Tang nơi sản sinh ra những nhà nghệ sĩ tôn thờ những chiếc bóng, bếp chính là chiếc bóng của Mikage phản chiếu lên trên cuộc đời và chính bếp đã phản chiếu nỗi buồn của Mikage. Cứ thế, tuy xa cách, cô đơn, nhưng vạn vật lại có những mối dây ràng rịt lấy nhau bởi nỗi buồn và nỗi buồn, bởi cô đơn với cô đơn, và trên hết thảy bởi máu nóng đang còn chảy trong lòng ngực, bới trái tim vẫn còn tràn trề nhựa sống và như thế, cuộc đời chưa hẳn là tuyệt vọng.

Review 3

Đâu đó trong cái bóng tối dày đặc ở “Kitchen” làm chúng ta ngột ngạt, sợ hãi thì ánh sáng vẫn tồn tại như thể rồi con người cũng sẽ nhận ra và nắm bắt. Con người với sự đắm chìm vào quá khứ một cách vô thức, hiện tại dường như bị đánh bật ra khỏi phạm trù về thời gian nhưng tương lai vẫn đang cố vực họ dậy. Con người từ nỗi mất mát đâm ra chối bỏ sự thật tìm cách trốn chạy đi đến can đảm đối mặt. Đồng thời, cái chết vây hãm lấy con người, chờ đợi con người nhưng con người chấp nhận song hành với nó để được sống vì mỗi gian bếp của chính mình.

Kết thúc của “Kitchen” mở ra một tia hy vọng cho hai kiếp người cùng cảnh ngộ. Họ giờ đây chỉ còn lại một mình trong cõi đời rộng lớn bất tận, sự kết nối vô hình nào đó đã đưa hai con người này đến gần nhau và tôi nghĩ đó chính là sự cảm thông. Họ hiểu về nhau còn hơn chính bản thân mình và họ tìm thấy bản thân mình ở đối phương. Hơn hết, họ nhận ra niềm vui sống không nằm ở đâu đó chờ họ đến lấy mà chính mỗi người phải tự tạo ra ý nghĩa về sự tồn tại của mình qua lối sống và hành động. “Cứ cho rằng trên đời này thực sự có may và rủi đi; nhưng phó mặc số phận mình cho nó thì quả là vô trách nhiệm…” con người đã không còn muốn cam chịu mặc cho con tạo xoay vần nữa, họ dần dần không còn muốn sống với thái độ lãnh đạm và bất cần nữa. Những con người trong “Kitchen” đều trải qua đau thương nhưng cái cách họ nỗ lực sống vì điều mà họ không thể từ bỏ là điều vô cùng đáng quý. Và ở cuối câu chuyện cả Mikage và Yuichi đã ngầm hiểu ra mình tiếp tục sống vì điều gì mặc dù “sẽ còn rất nhiều những niềm vui, và cả nỗi cay đắng, đang chờ tôi ở phía trước…”

One thought on “Review tiểu thuyết Kitchen – Banana Yoshimoto

  1. Thảo Như says:

    “Kitchen” viết về hai cái chết. Câu chuyện thì không có gì lạ nhưng cách chọn chi tiết của tác giả hết sức độc đáo. Từ căn bếp, đến hình ảnh cái ghế sofa đơn độc ấm áp trong căn bếp đó, đến người cha chuyển giới, đến cây dứa, đến lý do để hai nhân vật chính “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, đến cái kết nhẹ nhàng dịu dàng, tất cả được chọn lọc tỉ mỉ. Nhưng Banana viết nhẹ tênh, câu văn ít trau chuốt, có phần dễ dãi. Thế nên những chi tiết được chọn lọc kỹ lưỡng kia hiện lên lần lượt với độc giả như một tiến trình tự nhiên của cuộc đời, không hề gượng ép, không hề lên gân. Giả sử nếu kể sơ lược lại thì câu chuyện “Kitchen” có khác gì một câu chuyện trên phim truyền hình giải trí mà ngày ngày ta vẫn hay coi. Thế nhưng Banana trở nên nổi tiếng không phải bằng câu chuyện kỳ lạ mà bằng ngòi bút kỳ lạ của mình. Chuyện bình thường như là cuộc trò chuyện của hai nhân vật Yuichi và Mikage về chiếc máy đánh chữ thông qua ngòi bút trong trẻo của Banana cũng mang một màu sắc dịu nhẹ ngọt ngào và vô cùng quyến rũ. Và cũng bằng giọng văn trong trẻo thanh tân đó, cái chết trong “Kitchen” lại hiện lên u ám nặng nề. Cái màu xám xịt của căn bếp rộng thênh thang ngày bà mất, hay màu sắc rực rỡ của cuộc gặp gỡ cuối truyện hòa quyện vào nhau. Người đọc không cảm thấy thỏa mãn dù cái kết diễn ra hoàn hảo. Có chăng là cái thở phào vì cuối cùng hai nhân vật chính cũng đã gặp nhau. Nhưng rồi, cái kết có vẻ như có hậu này có chăng lại khởi đầu cho một mối quan hệ có nguy cơ sẽ diễn ra thêm một cuộc “đại suy sụp” khác?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *